Nội dung cơ bản về chính sách Bảo hiểm thất nghiệp

Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là một chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm hoàn thiện hệ thống các chính sách an sinh xã hội ở nước ta. Mục tiêu của chính sách bảo hiểm thất nghiệp là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội tìm kiếm được việc làm mới thích hợp và ổn định trong thời gian sớm nhất.

Các nội dung của chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở nước ta hiện nay được quy định trong Luật Việc làm năm 2013; Nghị định 28/2015/NĐ-CP ngày 12/03/2015 của Chính phủ; Nghị định 61/2020/NĐ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 28/2015/NĐ-CP và Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH ngày 31/07/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Theo các văn bản trên đây, những nội dung cơ bản của chính sách bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam được quy định như sau:

Đối tượng tham gia BHTN

- Người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) hoặc hợp đồng làm việc (HĐLV) như sau:

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;

+ Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;

+ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.

Tuy nhiên theo Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định loại hợp đồng lao động gồm: HĐLĐ không xác định thời hạn và HĐLĐ xác định thời hạn.

Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

- Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

Hồ sơ tham gia BHTN

Hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp là hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trong đó bao gồm nội dung cụ thể về tham gia bảo hiểm thất nghiệp, do đó trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc. Người sử dụng lao động lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc của người lao động có hiệu lực.

Mức đóng

Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 3% tiền lương, tiền công trong đó người lao động có trách nhiệm đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% và ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1%.

Mức hưởng

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặ không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng BHTN theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng./.

 Chu Thị Trần - Phòng BHTN&HTĐTLĐ

NHẬN XÉT VỀ BÀI VIẾT

zalo
Powered by Tú Cao
1
Bạn cần hỗ trợ?